Search
Close this search box.

Cố gắng từ con số âm để rồi phá sản ở tuổi 45 và bài học về sự nỗ lực của bố

Hồi còn bé tý, cách đây chừng 20 năm, mình vẫn thường ngồi bên bếp củi chờ bố đi làm về. Bố mình làm ở mấy chỗ khai thác đá, nguy hiểm cực. Mà thời đấy mình biết nguy hiểm là cái gì, chỉ biết mỗi độ tối đến lại mong mấy chiếc kẹo bố mang về là reo lên vui sướng từ đầu ngõ. 

Hồi ấy nghèo đến độ, cả cái nhà rộng được 15 mét vuông chưa tới, bố mình quyết định vay vốn làm ăn, nhiều người còn bĩu môi

‘’Nghèo thế cho vay làm sao mà trả’’

Năm đó, bố gắng sức vay được mấy đồng tiền lẻ, mua chiếc điện thoại cục gạch Nokia đầu tiên. Mình nhớ như in buổi tối đó, một buổi tối mà điện cũng chẳng có, 4 bố con mẹ con ngồi trong căn phòng bé tí tẹo, bố và mẹ mò mẫm cách sử dụng chiếc điện thoại cục gạch nhỏ, mình và em trai hóng hớt kế bên. 

Cũng là cái năm đó, bố vừa lái xe bus, vừa học thêm về điện thoại, rồi mở quán sửa điện thoại nho nhỏ ở nhà. Hàng ngày bên cạnh còng lưng ngồi sửa, bố còn tìm tòi học thêm để mở rộng dịch vụ. Mình cũng mày mò hỗ trợ bằng cách tải nhạc trên zingmp3 về cho khách. Mỗi lần tải như thế mình có 5 nghìn tiền lẻ. 

Rồi có vốn hơn một tý, bố quyết định mở quán nét. Thời ấy máy tính điện thoại chưa phổ biến như bây giờ. Quán nét là nơi để trẻ em chơi game, người lớn lên mạng chat chít liên hệ bạn bè ở xa. Chẳng ít lâu sau bố mở thêm quán cà phê, rồi quán karaoke. Ở khu mình thời đó, mấy cái dịch vụ ấy còn mới ơi là mới. Khách hàng ra vào nườm nượp.

Bố hàng ngày vẫn miệt mài học hỏi, cố gắng không ngừng. Năm nào cũng vậy, trong khi ngày lễ tết ai cũng được đi chơi thì nhà mình mặc định ở nhà trông quán, năm nào cũng đều đón giao thừa trong tình trạng đang quét dọn quán cà phê hoặc karaoke, có những năm còn đón giao thừa chung với khách.

Anh chup Man hinh 2023 04 14 luc 15.41.33
4 cục vàng của bố mẹ

Rồi bố xây nhà, rồi mua xe. Nhưng rồi những quán mới mọc lên dần, ngày một dày đặc. Bố mình nhắm không thể cạnh tranh lại, nên mạnh dạn mở thêm quán ăn. Ban đầu làm ăn cũng ổn, nhưng mở cửa chưa kịp hoàn vốn thì gặp ngay mấy đợt dịch lớn, nợ mới dồn nợ cũ, bố đành tuyên bố phá sản vì không đủ khả năng trả lãi. 

Năm 2020, mỗi lần gọi điện về quê mình đều xót xa trước ánh mắt xa xăm đầy mỏi mệt của bố. Đến 2021, khi mình về quê sinh bé Cam, mỗi ngày đều thấy chủ nợ tới nhà đập phá, có hôm mẹ mình còn phải đi khâu mấy mũi ở mặt, ở tay. Mỗi lần như thế mình đều ngậm ngùi không biết phải làm sao cho phải, nằm trăn trở không thể nào ngủ được.

Năm 2022, bố mình quyết định bán cả cơ ngơi đã kỳ cộng gầy dựng trong suốt mấy chục năm qua. Xót xa chứ, đau buồn chứ. Nhưng biết phải làm sao? Dù bán nhà, nhưng số nợ khổng lồ vẫn chưa thể nào trả hết, vẫn phải tha hương làm thuê vất vả để tích góp tiền trả nợ.

Bố chưa bao giờ gắt gỏng hay tỏ ra chán nản trước mắt con trẻ, bố luôn bảo

“Cuộc đời mà, kinh doanh mà, ai mà không có lúc lên lúc xuống”

Dẫu nợ nần chồng chất, dù tâm thể luôn trong trạng thái bất an, nhưng bố luôn lạc quan, luôn tin rằng ngày mai sẽ tốt hơn. Mình và em trai cố gắng để nuôi 2 đứa út ăn học đẩy đủ, bố mẹ vẫn chịu khó đi làm thuê để trả nợ dù đã đến tuổi đáng nhẽ được nghỉ ngơi. Mặc dù phía trước vẫn còn nhiều chông gai nhọc nhằn, nhưng có lẽ bởi bản thân đã từng bắt đầu từ con số âm, giờ làm lại, có hề gì đâu!

 

Hoài Thịnh

Hoài Thịnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

related news