Nạn diệt chủng sẽ là một bức tranh ảm đạm chỉ có chết chóc, đau thương và súng đạn? Không đâu, dưới góc nhìn của Bruno – Cậu bé 9 tuổi, đó là tình bạn đẹp đẽ với cậu bé mang chiếc áo pyjama sọc ở bên kia hàng rào. Đó là san sẻ từng tý bánh mì và cả những câu chuyện nhỏ nhặt.
Lúc mua sách, mình không đọc review, cũng chẳng cần ai giới thiệu. Mình mua đơn giản vì bìa sách…đẹp. Chắc hẳn mỗi người khi nhìn vào sẽ lầm tưởng ”Cậu bé mang pyjama sọc” là tác phẩm dành cho trẻ em. Nhưng không, đó là câu chuyện đầy ám ảnh và nặng nề.
Bắt đầu từ việc Bruno cùng gia đình chuyển từ Berlin tới Ao Tuýt – Nơi mà từ phòng ngủ của cậu có thể trông thấy ”những người hàng xóm” mặc pyjama sọc với khuôn mặt u buồn từ phía xa.
Vốn là người ưa khám phá, Bruno chẳng ngại trốn cha mình – Ngài Chỉ Huy trực tiếp dưới quyền của Hitler, để men theo con đường dài nguy hiểm tìm những điều mới mẻ chỗ Ao Tuýp ảm đạm. Và cậu gặp Shmuel – Người có cùng ngày tháng năm sinh với cậu nhưng đến từ Ba Lan – Nơi mà ”Mọi người ở đó rất thân thiện, gia đình tớ rất đông người và thức ăn ngon cũng rất nhiều.”. Và rồi một ngày, mọi thứ đều thay đổi. Một toán lính ồ ạt kéo tới cùng những chiếc xe tải khổng lồ. Gia đình cậu được chuyển tới Ao Tuýt và sống trong những gian trại ở bên kia hàng rào. Bằng dọng văn nhẹ nhàng và gần gũi, cuộc sống bên kia hàng rào dần được hé lộ…
Sau một năm, cha cậu quyết định cả gia đình sẽ chuyển về Berlin, trước khi về, Bruno đi thăm người bạn Shmuel. Đồng thời cũng thực hiện lời hứa tìm cha cùng Shmuel. Bruno khoác lên mình ”bộ áo pyjama sọc” và chui qua hàng rào. Bruno – Công tử bột của lãnh đạo ”Người Đức siêu việt” lần đầu tiên lạc vào xứ sở của những ”kẻ Do Thái thấp kém”, và vô tình bị lùa chung với đám đông để vào phòng hơi ngạt, với niềm tin rằng sẽ ở đây cho đến khi hết mưa. Kể cả trong bóng tối, Bruno vẫn giữ rất chặt tay Shmuel, kiên quyết không bỏ ra.
Đọc đến đoạn này, tim mình đập mạnh, mình hy vọng rằng cha của cậu hay mẹ của cậu hay bất cứ người lính nào nhận ra cậu là con trai của Ngài chỉ Huy, để cứu cậu, để cả Bruno lẫn Shmuel đều được sống. Nhưng không, có lẽ tất cả tình tiết đều nhằm mục đích đưa đẩy đến tình huống cuối truyện, đưa đến một kết thúc đau lòng.
Thực sự, đọc xong rồi mới thấy tựa sách “Cậu bé mang pyjama sọc” có nhiều ẩn ý. Bởi những đứa trẻ thì không hề biết thế nào là ”phân biệt chủng tộc”, chúng chỉ biết chân thành với nhau từng phút một. Kết thúc truyện như bóp ngẹt trái tim người đọc, có lẽ nhờ có Bruno mà mình mới cảm nhận được phần nào những gì đã xảy ra vào những thời điểm tăm tối nhất của lịch sử con người.
————————
Kết nối với mình ở:
Facebook: Hoài Thịnh
Tiktok: HT đi làm
Ig: Hoaithinh0102
Mail: [email protected]