Đầu năm nay mình vừa có một chuyến công tác Điện Biên 4 ngày, một chuyến đi ngắn nhưng nhiều trải nghiệm và nhiều cảm xúc. Ấy là lần đầu tiên mình hợp tác cùng một NGO (Non-governmental organization – Tổ chức phi chính phủ), là lần đầu tiên một đứa say xe như mình có thể ngồi ô tô mỗi ngày 3-5 tiếng để di chuyển đến các điểm quay, trên những cung đường đèo uốn lượn. Đấy là lần đầu mình được ăn cơm, được ngồi quây quần bên bếp lửa nhà sản. Rất nhiều lần đầu và cũng rất nhiều sự kiên cường
Mục lục
ToggleKiên cường trên mỗi chuyến xe
Trung bình mỗi ngày chúng mình sẽ ngồi trên xe từ 3 đến 6 tiếng để di chuyển đến các điểm quay khác nhau. Đối với một kẻ say xe như mình, ngồi lên xe đã ghê rồi, đường này còn đi đường đèo thì càng khủng khiếp thêm gấp 10 lần. Bình thường chắc hẳn mình sẽ uống thuốc say xe vài lần, tuy nhiên đợt này thì khác, mình chắc dám uống giọt thuốc say tàu xe nào cả bởi sau mỗi điểm đến mình đều cần tỉnh táo để làm việc, để hỗ trợ các đối tượng quay.
Nếu xét về khía cạnh vượt qua ngưỡng an toàn thì đây tuyệt nhiên đây là sự kiện đáng tự hào nhất khởi đầu năm 2023
Kiên cường qua mỗi câu chuyện kể
Đây là dự án về tuyên truyền phòng chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ở tỉnh Điện Biên. Ở đây mình may mắn có cơ hội được gặp gỡ, được lắng nghe những câu chuyện đời, rất đời. Những câu chuyện về sự khó khăn, về bất bình đẳng giới, về những quan điểm cổ hũ ví như phụ nữ là kẻ không có tiếng nói, không có quyền lên tiếng
Những câu chuyện lấy chồng ở tuổi 12, đến năm 20 đã một nách 3 con với chất chồng âu lo.
Những ấm ức mệt nhọc mà khi mình hỏi nhẹ “chị chia sẻ với em nhé” đằng kia liền nghẹn lời mà rưng rưng nước mắt.
Chị kể,
“Hồi ấy tôi còn nhỏ, mới được mười mấy tuổi, lỡ dại nghe người ta dụ dỗ, nhẹ dạ tin tưởng đi theo, rồi có bầu.
Lúc phát hiện mang thai, tôi thực sự khóc không thành tiếng, sợ hãi và đầy lo lắng. Mỗi ngày thức giấc, xung quanh là vô số lời đàm tiếu không hay.
Những ngày làm mẹ đơn thân khó khăn cùng cực. Mỗi ngày tôi đều thức dậy từ khi gà còn chưa kịp gáy, tranh thủ làm việc nhà. Rồi lúc em bé thức giấc, cả ngày dài mẹ con cùng nhau đi làm, cùng nhau trải qua những ngày nắng lẫn mưa. Bởi cái lúc ấy, không làm thì lấy gì mà ăn!
Đôi khi tôi nghĩ, tôi thèm một giấc ngủ dài. Nhưng khi đặt lưng xuống, lòng lại nặng trĩu, khóc nấc lên vì không biết kể cho ai, đầy muộn phiền và mỏi mệt.
Nhưng có lẽ mọi khó khăn rồi cũng qua. Tôi tự nhủ “người ta nuôi được, mình cũng nuôi được”. Ngày qua ngày, em bé cũng lớn khôn, cũng biết giúp đỡ mẹ, an ủi mẹ. Đến giờ con cũng đã 18 tuổi tròn. Cứ nghĩ cuộc đời sẽ nhẹ nhàng hơn, nhưng có lẽ con càng lớn, áp lực tiền bạc càng cao. Lúc này, một trong những niềm an ủi khác của tôi đó là chị em trong câu lạc bộ phụ nữ bản….
Tôi được mọi người vận động tham gia Câu lạc bộ, ban đầu cũng vì sự nhiệt tình của chị em, nhưng rồi tham gia lâu, tôi nhận ra rằng, phụ nữ xung quanh tôi ai cũng có những tổn thương, cũng đều trải qua những khó khăn, đều chưa biết cách bảo vệ bản thân sao cho đúng.
Tôi nhìn thấy tôi trong hình bóng của mọi người.
Và thế là tôi kể, kể những khó khăn và tủi khổ của bản thân trong suốt năm tháng làm mẹ đơn thân. Những vất vả và cả những niềm vui, và tôi đã vượt qua tất cả. Tôi cũng biết, khi tôi nói ra, chính là động lực để người khác, những người có hoàn cảnh giống tôi ngày xưa có thể mạnh mẽ vượt qua.
Ấy là lần đầu tôi được chia sẻ những gì bản thân nghĩ, được giúp đỡ tất cả những người phụ nữ vốn dĩ yếu thế trong cái bản này.”
Kiên cường để nói ra
Có lẽ thật khó để “nói ra”, để chia sẻ với một ai đó, đặc biệt là những người lạ. Nhưng sẽ khó hơn nếu bạn là một người phụ nữ vùng cao, đã sống trong sự kìm hãm của xã hội trong suốt phần lớn cuộc đời. Ở đây phụ nữ không có quyền lên tiếng, nam giới mới là trụ cột gia đình và là người có quyền quyết định.
Có câu chuyện thế này, anh chị là vợ chồng cũng lâu, có đợt anh ốm, anh chị phải xuống huyện chữa trị, trong lúc anh nằm bệnh viện và được hưởng mọi chu cấp từ ăn uống ngủ nghỉ, thì chị phải nhịn đói trong 2 ngày anh nằm viện để chăm sóc anh bởi chị chẳng dám bước chân ra ngoài được để mua cơm.
Chỉ là mua cơm thôi cũng chẳng dám, vậy thì chẳng phải việc nói ra hết những buồn vui tủi khổ cho một người lạ như mình nghe chính là một quyết định kiên cường rồi hay sao?
Và “họ” – những người phụ nữ ít chữ nhiều tình cảm đã thực sự được nói ra và được lắng nghe
Chúng mình đã cố gắng trò chuyện, cố gắng hỏi han, cố gắng lắng nghe và kể lại chúng một cách hoàn chỉnh với đầy đủ cảm xúc, từ đó truyền cảm hứng, mang lại những niềm vui nhỏ nhặt sau mọi vất vả thường nhật cho bất cứ ai.
Bởi “họ” thực sự đã kiên cường vượt qua, cớ sao “mình” lại dừng chân không chịu bước!