Search
Close this search box.

Google Adwords và hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu – Phần 2: Bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt

Bài viết được thực hiện dưới sự hướng dẫn của:

  • Thầy Lộc – Giảng viên môn Luật sở hữu trí Tuệ
  • Anh Đức – Chuyên viên tư vấn Tilleke & Gibbins Vietnam
  • Anh Lương Lê Minh – Người anh siêu giỏi nhiều drama trên mxh :))
  • Anh Lữ Hoàng Đức – Chuyên viên pháp lý Ngân hàng ACB

4: BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM 

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, tác giả đã phân tích những điển hình các vụ việc có liên quan đến Google Adwords theo pháp luật Hoa Kỳ. Mặc dù hệ thống pháp luật Hoa Kỳ có nhiều đặc trưng của thông luật (Common Law) khác biệt với Việt Nam; tuy nhiên thông qua việc phân tích các lập luận pháp lý của các bên và diễn giải trong phán quyết của thẩm phán, tác giả có thể rút ra được những nguyên lý cơ bản trong giải quyết tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu trong Quảng cáo Google Adwords. Mặt khác, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, những tranh chấp pháp lý về Google Adwords ở Hoa Kỳ cũng sẽ là những vấn đề mà Việt Nam sẽ gặp phải trong tương lai. Vì vậy, thông qua việc phân tích các vụ án ở Hoa Kỳ, tác giả có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm giá trị cho hoạt động xét xử và giải quyết tranh chấp liên quan đến Google Adwords tại Việt Nam, cũng như cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. 

4.1 Bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam 

Như đã phân tích, tại Việt Nam, chưa có vụ kiện nào liên quan đến vi phạm nhãn hiệu trong quảng cáo Google Adwords, tuy nhiên, không loại trừ trường hợp các tranh chấp sẽ xảy ra trong tương lai. Chính sách của Google không chỉ cho phép các đối thủ cạnh tranh đặt giá thầu cho các từ khóa nhãn hiệu, mà còn có xu hướng ủng hộ các công ty đặt giá thầu cho các từ khóa nhãn hiệu của đối thủ cạnh tranh. Minh chứng là trải qua hàng trăm vụ kiện trong vòng một thập kỷ vừa qua, không có dấu hiệu nào cho thấy Google sửa đổi chính sách nhãn hiệu trong quảng cáo Adwords, cũng như bổ sung các quy định chặt chẽ về việc sử dụng từ khóa nhãn hiệu khi chưa có sự cho phép của chủ nhãn hiệu. Đồng thời, như đã phân tích ở mục 2.2.3, hầu hết phán quyết trong các tranh chấp đều có lợi cho Bị Đơn, pháp luật Việt Nam cũng chưa có những quy định cụ thể và kinh nghiệm xét xử trong các vụ kiện nhãn hiệu trong quảng cáo Google Adwords, do đó, điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần làm là chuẩn bị đầy đủ kiến thức để hạn chế tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai, cũng như có thể đối mặt với nó.  

(i) Đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào Google: Với hơn 50 lần chiến thắng trong các tranh chấp nhãn hiệu liên quan đến chương trình Adwords, Google có đủ kinh nghiệm và lập luận để bảo vệ bản thân khỏi các vụ kiến tương tự trong tương lai. Ngoài ra, để tránh những rắc rối trong trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu và bên thứ ba sử dụng có tranh chấp, Google cũng nêu rõ trong chính sách rằng:’’Chúng tôi rất coi trọng việc vi phạm nhãn hiệu chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc đại lý ủy quyền của họ. Tuy nhiên, Google không có quyền hòa giải các tranh chấp của bên thứ ba và chúng tôi khuyến khích chủ sở hữu nhãn hiệu giải quyết tranh chấp của họ trực tiếp với các nhà quảng cáo’’. Do đó, việc trông chờ vào những chính sách, hay sự can thiệp liên quan đến quyền lợi nhãn hiệu đã được đăng ký của cá nhân/doanh nghiệp là điều hoàn toàn không thể. 

(ii) Bắt đầu giám sát từ khóa nhãn hiệu: Đối thủ cạnh tranh có khả năng sẽ đặt giá thầu cho các từ khóa nhãn hiệu của doanh nghiệp bạn, không chỉ để tạo ra doanh thu, hành động này có thể nhằm mục đích xấu như làm lu mờ nhãn hiệu. Cho đến khi Google có những quy định về việc hạn chế sử dụng nhãn hiệu của bên thứ ba trong bản sao quảng cáo hoặc URL trang web, và luật pháp có những quy định cụ thể cho rằng hành vi này có thể dẫn đến vi phạm nhãn hiệu, tốt nhất, bạn nên đưa ra những chiến lược phù hợp để bắt đầu giám sát từ khóa nhãn hiệu của mình. 

(iii) Biết và làm theo các quy tắc: Đặt giá thầu từ khóa nhãn hiệu của đối thủ cạnh tranh trong quảng cáo Google Adwords đang là một chiến lược đạt nhiều kết quả, nhưng hiện tại vẫn là vấn đề khá nhạy cảm. Nếu doanh nghiệp của bạn đang quyết định bước vào đấu trường bằng cách mua nhãn hiệu của đối thủ cạnh tranh, hãy chắc chắn rằng bạn đang tuân thủ chính sách của Google cũng như những luật nhãn hiệu trong nước và quốc tế. Việc tuân thủ các quy tắc này sẽ giúp bạn có được những lợi thế nhất định trong những tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai. 

Nhìn chung, các doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn hành trang để đối mặt với các tranh chấp xảy ra trong tương lai. Nếu là nhà quảng cáo, bạn cần cân nhắc lợi ích của việc quảng cáo từ khóa nhãn hiệu của bên thứ ba trong chương trình Adwords, và những chi phí vi phạm tiềm năng trong tương lai. Tương tự, chủ sở hữu nhãn hiệu cũng cần đánh giá chi phí của việc kiểm soát số lượng người vi phạm và xác định liệu có đáng để tham gia vào những vụ kiện tốn kém trong tương lai hay không. Bởi cuối cùng, những quyết định này ảnh hướng đến danh tiếng và lợi nhuận của công ty. 

4.2 Bài học kinh nghiệm trong thực thi pháp luật Việt Nam 

Hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng được coi trọng, minh chứng là Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều Điều ước Quốc tế liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trong số đó có 3 Điều ước đa phương có quy định liên quan trực tiếp đến các vấn đề về nhãn hiệu mà các doanh nghiệp có thể thường phải xem xét tuân thủ và vận dụng trong kinh doanh là: Công ước Paris, Thỏa ước và Nghị định thư Madrid và Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, trong cả ba Điều ước này, đều không có những quy định cụ thể liên quan đến khái niệm nhãn hiệu hay những trường hợp cụ thể được xem là vi phạm nhãn hiệu. 

Xét về nội luật, Các hành vi vi phạm nhãn hiệu được cụ thể hóa trong các quy định của Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn chi tiết Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Theo đó, yếu tố đánh giá hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu bao gồm:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam hoặc Công báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan; sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo nhãn hiệu đã được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam hoặc Công báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, theo đó sẽ phải xem xét khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. 

Theo đó, để xác định một hành động có phải hành vi vi phạm nhãn hiệu hay không, Nguyên Đơn cần chứng minh (i) Bị Đơn đã sử dụng nhãn hiệu (ii) Hành động đó có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Nếu Lanham Act của Mỹ quy định hành vi sử dụng nhãn hiệu cần phải ‘’được sử dụng trong thương mại’’, thì Việt Nam không yêu cầu chứng minh điều khoản này. Trên thực tế, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành đã bổ sung các quy định quan trọng về nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Điều 204) và căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Điều 205), do tính chất đặc thù của loại tài sản “quyền sở hữu trí tuệ” nên nhiều trường hợp nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại hoặc xác định không đầy đủ về những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế (có thể nhiều hơn hoặc ít hơn thiệt hại thực tế xảy ra). Trong trường hợp tranh chấp nhãn hiệu trong quảng cáo Google Adwords, việc chứng minh hành động của nhà quảng cáo, hay Google có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng cần nhiều thời gian và công sức. Ví dụ trong vụ kiện Rosetta Stone, Nguyên Đơn đã đưa ra bằng chứng với 190 trường hợp giả mạo nhãn hiệu Rosetta Stone từ ngày 03 tháng 09 năm 2009 đến 01 tháng 03 năm 2010, cùng 5 nhân chứng thực tế, nhưng để có được những minh chứng này, chủ sở hữu nhãn hiệu bắt buộc phải theo dõi sát sao nhãn hiệu của mình trong một thời gian dài. 

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam không có những quy định cụ thể giải thích về ‘’hành vi sử dụng nhãn hiệu’’ hay như thế nào gọi là ‘’có khả năng gây nhầm lẫn’’, việc thiếu kinh nghiệm xét xử trong các vụ kiện nhãn hiệu cũng như chưa có tiền lệ về các tranh chấp nhãn hiệu trong quảng cáo Google Adwords càng khiến việc áp dụng pháp luật trở nên khó khăn. Giống như Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ, tòa án Việt Nam có thể linh hoạt trong các khái niệm liên quan đến hành vi vi phạm nhãn hiệu. Tuy nhiên, để tránh các tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai, đồng thời bảo vệ quyền nhãn hiệu của chủ sở hữu, pháp luật Việt Nam có thể đưa ra những quy định giải thích cụ thể hành vi sử dụng nhãn hiệu cũng như khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Mặt khác, những quy định chặt chẽ liên quan đến sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu trên không gian mạng cũng là một trong những bước tiến dài hơn trong tương lai bởi thời đại công nghệ ngày càng phát triển.  


————————

Kết nối với mình ở:

Facebook: Hoài Thịnh

Tiktok: HT đi làm

Ig: Hoaithinh0102

Mail: [email protected]

admin

admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

related news