Search
Close this search box.

HỢP THỨC HÓA MẠI DÂM DƯỚI GÓC NHÌN PHÁP LÝ (Phần 1)

Mại dâm đã xuất hiện từ thời thượng cổ, cách đây tầm 3000 năm. Mại dâm xuất phát từ nhu cầu tình dục của con người. Trong kinh tế thường nói: “Ở đâu có cầu, ở đó ắt có cung”. Vì vậy, mại dâm là một hiện tượng xã hội luôn tồn tại trong mọi loại hình, chế độ xã hội, từ xưa tới nay. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có khoảng 20 nước công nhận mại dâm ở các mức độ khác nhau.

Căn cứ Khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm của Ủy ban thường vụ Quốc Hội 10/2003/PL-UBTVQH11 có quy định: ‘’Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm’’. Trong đó:

– Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. (Khoản 1 Điều 3)

– Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. (Khoản 2 Điều 3)

Hiện nay ở Việt Nam, mại dâm vẫn được coi là tệ nạn xã hội cần xóa bỏ. Mặc dù chính quyền đã có rất nhiều nỗ lực nhằm xóa bỏ mại dâm, nhưng người hành nghề mại dâm vẫn tiếp tục hoạt động ngầm dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, trốn tránh sự truy lùng của nhà chức trách dưới nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, nó cũng đặt ra câu hỏi liệu nếu không giải quyết được thì có nên hợp pháp hóa cho dễ quản lý? Chính câu hỏi này cũng gây nên nhiều tranh cãi trong những năm gần đây. Cũng chưa có bất kỳ một nghiên cứu chính thực, cụ thể nào về vấn đề này.Đứng ở vị trí trung lập, hãy cùng mình tìm hiểu về chính sách mại dâm của một số nước trên thế giới, từ đó đưa ra cái nhìn khách quan và đặt ra giải pháp phù hợp nếu Việt Nam quyết định hợp thực hóa mại dâm nhé!   

4b719 population of countries legal limited illegal3

1. Quy định của pháp luật Hà Lan về vấn đề mại dâm

Hà Lan là một quốc gia nằm ở Tây Bắc châu Âu. Là đất nước có nền kinh tế phát triển và yên bình bậc nhất trên thế giới. Là quốc gia nổi tiếng với hoa tulip, đồng thời cũng là quốc gia nổi tiếng với phố đèn đỏ Amsterdam. Cũng là một nước hợp pháp hóa mại dâm khá sớm.

* Pháp luật hiện hành điều chỉnh vấn đề mại dâm tại Hà Lan

Vào thế kỷ 19, Hà Lan đã có một hệ thống pháp luật cho phép hoạt động mại dâm tại các nhà chứa. Nhưng sau đó đã bị bãi bỏ bởi Luật đạo đức năm 1911. Và đã có rất nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề này, rằng sẽ tạo ra nhiều vấn đề bất cập lớn khi mà những người hành nghề mại dâm thường là những phe yếu thế, là nạn nhân của nghèo đói hoặc phụ nữ sa ngã. Đồng thời, việc hợp pháp hóa mại dâm còn nhằm mục đích loại bỏ việc khai thác bất hợp pháp, nạn buôn người và cải thiện điều kiện việc làm cho gái mại dâm.
Năm 1997, Đảng Tự do, Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xã hội Tự do (Dân chủ 66) thành lập nội các Kok I hay còn gọi là Nội các tím. Họ đã soạn thảo một dự luật mới để gỡ bỏ lệnh cấm trên các nhà chứa. Và một cuộc khảo sát sau đó cho thấy 74% dân số Hà Lan coi mại dâm là công việc và 73% ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm trên các nhà chứa. Đến năm 1999, dự luật được Quốc Hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2000.

Tháng 10 năm 2000, chính quyền chính thức gỡ bỏ lệnh cấm trên các nhà chứa và ma cô. Hiện nay mại dâm được hoạt động theo luật lao động. Theo luật này, người bán dâm được đăng ký ngành nghề như bất cứ người lao động nào khác. Ngoài ra còn có Đạo luật quy định về mại dâm và chống lạm dụng tình dục.

Theo Luật đô thị 151, chủ sở hữu các doanh nghiệp và người hoạt động mại dâm độc lập phải đăng ký và có giấy phép của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo điều kiện làm việc đúng tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời cũng phải tuân thủ các quy định mà địa phương đặt ra. Ngoài ra, Chương 3 của Đạo luật quy định mại dâm và chống lạm dụng tình dục (WRP) quy định cụ thể về các trường hợp có nghĩa vụ đăng ký cũng như các thủ tục đăng ký hành nghề mại dâm. Đồng thời, trong điều 3.3 chương 3 cũng nhắc đến độ tuổi có quyền hoạt động mại dâm là 18 tuổi. 

0c3c7 460601008

Một nghiên cứu cho thấy có 75% đô thị có quy định về hoạt động mại dâm và 40% đô thị có một hoặc nhiều công ty mại dâm đăng ký hoạt động chính thức. Tình trạng mại dâm tại nhà có giấy phép là 54%. Có thể thấy, những tính chất bản địa hóa mà các quy định có thể khác nhau từ thành phố này đến thành phố khác. Những quy định này bao gồm về vị trí các doanh nghiệp hoạt động mại dâm, thủ tục đăng ký hoạt động mại dâm của cá nhân, số tiền thuê phòng, loại quảng cáo được phép sử dụng.v.v.

Nhìn chung, công việc mại dâm ở Hà Lan cũng chỉ được diễn ra tại một số thành phố nhất định như ở các nhà chứa và câu lạc bộ, phố đèn đỏ, tippelzones (khu vực được chỉ định làm mại dâm ở các đường phố), thuisontvangersv.v. Đây là những thành phố được cấp phép hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, các trường hợp hành nghề mại dâm ở những thành phố lân cận, các thành phố bên ngoài ‘’khu vực đăng ký’’ hay các hoạt động mại dâm không được cấp phép tại các khu vực hợp pháp đều là bất hợp pháp.

Mặc dù mại dâm được hợp pháp ở Hà Lan, nhưng hành động buôn người và những vấn đề được quy định tại điều 2.2 WRP bao gồm cưỡng bức mại dâm và sử dụng mại dâm ở trẻ vị thành niên vẫn bị coi là tội phạm hình sự. Theo luật hình sự, bất cứ ai ép buộc người khác thực hiện công việc mại dâm ngoài ý muốn kể cả trẻ vị thành niên đều có thể phải đối mặt với mức án 18 năm tù giam tùy thuộc vào tình trạng và các điều khoản tăng nặng. Quy định này góp phần vào việc giảm bớt các tình trạng làm dụng, sử dụng bất hợp pháp trẻ vị thành niên.

Đồng thời, chính phủ cũng quy định chỉ những công dân EU mới có thể làm việc mại dâm một cách hợp pháp. Điều này bắt nguồn từ một cuộc tranh luận về vấn đề ngăn chặn nạn buôn bán người có liên quan đến việc hợp pháp hóa mại dâm, nhiều ý kiến cho rằng tất cả phụ nữ từ các nước không thuộc EU làm việc trong ngành công nghiệp mại dâm đều là nạn nhân của mại dâm cưỡng bức. Vì vậy, theo quan điểm đó, biện pháp khắc phục tốt nhất để ngăn chặn buôn bán người là ngăn chặn phụ nữ không phải người thuộc EU làm việc trong ngành công nghiệp tình dục Hà Lan ngay từ đầu. 

c39b0 image

Chính quyền Hà Lan xem gái mại dâm là những doanh nhân độc lập. Bởi vậy, những người hành nghề mại dâm phải nộp tờ khai thu nhập và nộp thuế hàng năm. Năm 2007, thẩm phán quyết định rằng số tiền thuế VAT mà các vũ công phải thêm vào các hóa đơn của mỗi buổi biểu diễn là 19% , trong khi các hoạt động nghệ thuật và biểu diễn khác chỉ phải chịu mức thuế 6%. Không chỉ người làm nghề mại dâm phải chịu thuế, các thành phố được cấp phép cũng phải nộp ‘’phí đô thị’’ hay ‘’phí cảnh sát’’ được quy định tại chương 8 của WRP.

Trong chương 9 WRP, chính phủ cũng quy định rõ về chính sách đào tạo cho gái mại dâm nước ngoài; các biện pháp cải thiện vị thế xã hội cho gái mại dâm cũng như các chương trình tiếp cận tội phạm, đào tạo về các cách tiếp cận hành chính và phòng ngừa, các cách tiếp cận hình sự và đàn áp.

Ngoài ra, chính quyền cũng quy định về các dịch vụ y tế thành phố tổ chức các phòng khám miễn phí hoặc chi phí thấp cho gái mại dâm. Hoặc các tổ chức hỗ trợ về các vấn đề của những người làm mại dâm như The Red Thread hay Trung tâm thông tin mại dâm (Prostitutie Informatie Centrum). Tổ chức AMOC và Rainbow đang thực hiện giúp đỡ gái mại dâm về các vấn đề về ma túy.

* Thực trạng thực thi pháp luật về mại dâm tại Hà Lan

Có khoảng 20.000 gái mại dâm làm việc trên các đường phố của Hà Lan. Trong đó có khoảng 40% đang hoạt động ở phố đèn đỏ Amsterdam với 5% làm việc ở 370 cửa số hoặc trong các câu lạc bộ tình dục trong và quanh khu đèn đỏ.

Theo chính phủ Hà Lan, một nghiên cứu về chất lượng cuộc sống của người lao động mại dâm trong năm 2002 đến 2007 cho thấy sự cải thiện rõ rệt về cuộc sống của người dân.

Một trong những mục đích của hợp pháp hóa mại dâm là để các cơ quan chức năng đối phó với nạn buôn người. Tuy nhiên, trên thực tế, Hà Lan lại là điểm đến, điểm trung chuyển lớn của những đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em để phục vụ mục đích bán dâm. Chính phủ Hà Lan cũng thừa nhận rằng rất khó để ước tính số lượng nạn nhân bị buôn bán đến và ra khỏi Hà Lan mỗi năm. Trên thực tế, số lượng nhà thổ hợp pháp ở Hà Lan đang giảm đi và được thay thế bằng những cơ sở trá hình như salon, câu lạc bộ, dịch vụ massage để hoạt động mà không cần xin phép kinh doanh mại dâm và để che đậy tốt hơn những hoạt động bóc lột thân xác phụ nữ. Trước những bất cập đó thì chính quyền Hà Lan đang lên kế hoạch để hạn chế các khu đèn đỏ. Điển hình vào năm 2007, khu đô thị của Amsterdam đã rút giấy phép cho 30 doanh nghiệp tình dục khác nhau, cáo buộc họ vi phạm các luật hiện hành.

<Còn nữa>

————————

Kết nối với mình ở:

Facebook: Hoài Thịnh

Ig: Hoaithinh0102

Mail: hoaithinh.dhr@gmail.com

admin

admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

related news