Search
Close this search box.

Cách Content Freelancer tìm việc, chốt job và quản trị dự án.

Content Freelance nổi lên như một vị trí đáng mơ ước trong thời gian gần đây khi vừa có thu nhập tốt, vừa có thể chủ động lựa chọn công việc, lừa chọn thời gian và thảnh thơi làm việc ở bất cứ đâu. Tuy nhiên để bắt đầu và sống ổn với nghề Content Freelancer thì chưa bao giờ là dễ dàng. Hãy cùng mình tìm hiểu những vị trí phổ biến trong nghề, cách tìm việc, thỏa thuận công việc, quản trị dự án và bàn giao thế nào để không phải rơi vào tình trạng thất nghiệp trong hành trình làm Content Freelance nhé!

1. Các vị trí phổ biến của một Content Freelance

1.1 Làm content writer cho doanh nghiệp

Content writer được hiểu đơn giản là người viết nội dung, sản xuất nội dung bằng văn bản. Đây là vị trí cực kỳ phổ biến, được nhiều doanh nghiệp săn tìm nhân sự.
Copywriter, hay người viết quảng cáo, là một cây viết chuyên nghiệp đảm nhận các công việc liên quan đến viết các mẫu quảng cáo được sử dụng trong marketing và các công cụ xúc tiến.
Mình không phân tách 2 khái niệm này vì thực chất khi thuê nhân sự Freelancer, nhiều doanh nghiệp không có yêu cầu chi tiết mà sẽ yêu cầu đa nhiệm nhiều hơn. Một số công việc của Freelancer ở vị trí này
  • Viết bài quảng cáo.
  • Viết bài Blog Website (Thường là content chuẩn SEO)
  • Viết bài social (Thường là content thường ngày để nuôi Fanpage,Instagram)
  • Viết bài phóng sự, ký sự, TVC.
  • Viết bài PR báo chí.
  • Biên tập bài viết (thường là bài blog hoặc bài PR)

1.2 Content Creator

Content Creator hay còn được gọi là nhà sáng tạo nội dung. Vị trí này cho phép chúng ta biến hoá thành những chú “tắc kè hoa” truyền tải thông điệp đến người xem thông qua các sản phẩm truyền thông như bài viết, ảnh, poster, video clip…
“Create Content” cho chính mình
Bộc lộ bản thân, chia sẻ những trải nghiệm, quan điểm của mình lên các kênh truyền thông mạng xã hội như: Website (blogger); Email (Newsletter); TikTok (short video); Instagram (short-form video, nội dung chữ & hình); Facebook (nội dung chữ & hình, các nhóm cộng đồng, short-form video); Youtube (long-form video); Linkedin (nội dung chữ; hình).v.v.
Mức thu nhập sẽ dao động tuỳ vào độ phủ sóng hình ảnh cá nhân, độ uy tín & năng lực của người sáng tạo nội dung. Một số hình thức tăng thu nhập như:
  • Booking
  • Affiliate
  • Collab: hợp tác công việc/đại sứ truyền thông trong các chiến dịch của các tổ chức; tham gia sự kiện với vai trò speaker, khách mời.v.v.
“Create Content” cho doanh nghiệp
Là 1 nhà sáng tạo nội dung cho doanh nghiệp, bạn sẽ nhân rộng sự sáng tạo của mình hơn so với việc làm cho chính mình.
  • Lên ý tưởng và sản xuất các ấn phẩm truyền thông (nội dung Facebook, Website, POSM, OOH, TVC, viral video…)
  • Tham gia xây dựng big idea, key visual, viết slogan, tagline, đưa ra các định hướng chiến lược cho các chiến dịch marketing.
  • Phối hợp với bộ phận thiết kế, video production, đối tác sản xuất để sản xuất các hình ảnh, video…
  • Hỗ trợ quá trình quảng cáo trực tuyến, tổ chức sự kiện, tổ chức sản xuất.
Với việc khai thác toàn diện kỹ năng của mình, 1 Content Freelancer hoàn toàn có thể mở rộng hơn nữa để trở thành Project Manager & Consultant cho những dự án.

1.3 Project Manager

Với trải nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực của mình, bạn có thể phát triển lên vị trí Project Manager (Quản lý dự án). Vai trò của một Project Manager là quản lý và điều hành các dự án liên quan cho khách hàng.
  • Lập kế hoạch và quản lý các dự án từ giai đoạn lập kế hoạch, triển khai đến hoàn thiện.
  • Điều phối công việc và tài nguyên cho các thành viên trong nhóm làm việc.
  • Đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án theo yêu cầu của khách hàng.
  • Tương tác và làm việc chặt chẽ với khách hàng, đưa ra giải pháp và đáp ứng các yêu cầu.
  • Quản lý ngân sách và các tài nguyên liên quan đến dự án.
Thu nhập của một Project Manager thường được tính dựa trên mức độ phức tạp và quy mô của dự án, cũng như trình độ và kinh nghiệm của người đó. Thu nhập có thể là một khoản tiền cố định hàng tháng hoặc theo dự án, và cũng có thể bao gồm phần thưởng hoặc tiền hoa hồng dựa trên hiệu suất dự án.

1.4 Consultant

Với sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực chuyên môn của mình, bạn có thể trở thành một Consultant (người tư vấn), cung cấp các dịch vụ tư vấn cho khách hàng trong việc xây dựng chiến lược, tối ưu hóa hiệu quả mục tiêu cho khách hàng.
  • Đánh giá nhu cầu và mục tiêu của khách hàng liên quan đến dự án
  • Phân tích và đưa ra các khuyến nghị, chiến lược phù hợp với mục tiêu kinh doanh của khách hàng.
  • Hỗ trợ trong việc xây dựng kế hoạch và chiến dịch
  • Cung cấp, hướng dẫn, đào tạo chuyên môn chất lượng cao và chiến lược tiếp thị
  • Đánh giá và cải thiện hiệu quả của các chiến dịch hiện tại bằng cách theo dõi và đánh giá kết quả.
  • Cung cấp sự tư vấn và hỗ trợ liên tục cho khách hàng trong việc phát triển và quản lý chiến lược của dự án.
Thu nhập của một Consultant thường phụ thuộc vào phạm vi và quy mô của dự án tư vấn. Thu nhập càng cao càng dựa trên độ uy tín, thương hiệu cá nhân & chuyên môn trong công việc của họ.

1.5 Trợ lý nội dung cho người nổi tiếng, KOC, content creator khác. 

Mình tách phần này riêng vì nó sẽ đặc biệt hơn việc làm content creator cho doanh nghiệp hay một Ghost Writer thông thường.
Trợ lý nội dung cho người nổi tiếng thường sẽ cần theo sát, thường xuyên trò chuyện, gặp gỡ để hiểu hơn về tính cách, phong cách cá nhân để có thể diễn đạt và thể hiện nó ra bên ngoài thông qua nội dung, câu chữ.
Làm trợ lý nội dung cho người nổi tiếng còn cần một chút hiểu biết về phòng ngừa và xử lý khủng hoảng truyền thông cá nhân và có kỹ năng quan sát, phỏng vấn khai thác thông tin thật tốt.

1.6 Ghost Writer 

Thường là viết sách, viết báo cáo kết thúc dự án, các bài phát biểu cho lãnh đạo, .v.v. cụ thể là viết nhưng ẩn danh. Điểm khác biệt lớn nhất của Ghost Writer và con sen thông thường là con sen có thể được mọi người biết đến rằng đứng sau dự án ABC nhưng Ghost Writer lại là những người ẩn danh, đứng sau sự thành công của người khác, đúng với cái tên.

1.7 Xuất bản sách của riêng mình.

Nếu bạn có khả năng viết tốt, tư duy tốt, và có thể là sở hữu một lượng followers cao thì viết sách, xuất bản sách là điều có thể làm. Bạn có thể tiếp cận việc xuất bản bằng cách viết và đi seeding trong các hội nhóm để xây kênh của riêng mình, hoặc đơn giản là tham gia các cuộc thi do một số đầu báo tổ chức. Nhuận bút đến từ việc viết và xuất bản sách sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của bản thân người viết thôi

2. Có hay không một lộ trình phát triển cho Content Freelance?

Đi làm văn phòng, chúng mình có tăng lương, thăng chức, còn làm tự do, liệu có lộ trình nghề nghiệp nào tương đương với “thăng chức” hay lên một vị trí mới? Thực ra Freelancer là một khái niệm vô cùng rộng, người làm content freelance cũng thế, sẽ có vô vàn hướng đi.

2.1 Quay lại văn phòng.

Xưa giờ mình vẫn hay khuyên các bạn sinh viên hãy thực sự đi làm văn phòng, trải nghiệm và nâng cao chuyên môn, nâng cao hiểu biết trong nghề, rồi hẵng ra ngoài làm tự do. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nhiều bạn rất giỏi, có thể tự tìm hiểu, tự nhận các job nhỏ lẻ, chấp nhận nhuận bút thấp, và dần hoàn thiện các kỹ năng.
Lúc này, các công việc freelance làm thêm chính là cách để rèn luyện kỹ năng viết, mở rộng mối quan hệ. Khi đã sẵn sàng cả về thời gian lẫn kiến thức, các bạn bắt đầu quay lại đi làm văn phòng.
Đây là một bước đi chậm rãi, tận dụng thời gian khi còn đi học và sau đó thăng tiến nhanh trong sự nghiệp đi làm văn phòng.
Song song đó, cũng có rất nhiều người làm Freelance trong khoảng thời gian nhất định, cảm thấy nhàm chán và quay lại làm văn phòng, tiếp tục cố gắng thăng tiến như thường. Bản thân mình thấy đây cũng là một lộ trình bình thường, không có gì đáng xấu hổ cả.

2.2 Đi làm văn phòng, nhảy ra làm freelance toàn thời gian/bán thời gian, nhưng vẫn làm cho doanh nghiệp.

Hầu hết các bạn Freelance đều đang ở đây, và mình cũng vậy. Sẽ có nhiều cách để nâng cao thu nhập.
LÀ MỘT NGƯỜI TRỰC TIẾP XỬ LÝ CÁC TASK
Có thể là nhận các job viết lẻ, nhận dự án theo tháng, theo năm, nhưng bản thân mình vẫn là người trực tiếp xử lý các task. Nhược điểm là nếu bản thân không mạnh dạn tăng giá, thu nhập sẽ có xu hướng chững lại ở một vài thời điểm nhất định vì một người cũng chỉ có 24h, không thể nhận quá nhiều job được.
Chúng mình không nhất thiết phải leo lên bất kỳ vị trí nào khác ngoài việc liên tục tạo ra những case study tốt, từ đó nâng cao thu nhập theo thời gian, nếu không, hãy leo lên trở thành người tư vấn
NGƯỜI LÊN KẾ HOẠCH VÀ TƯ VẤN
Nếu xét về các vị trí như phần 1 thì đây chính là bước nhảy vọt của một Freelancer, khi đứng ở vai trò người cố vấn, và/hoặc người quản lý dự án.
Để có thể đi từ một Freelancer tự tay xử lý các task lên người tư vấn, bạn cần có kiến thức, cái nhìn tổng quan về marketing cũng như hiểu biết về ngành hàng. (thường là các job tư vấn, lên kế hoạch content marketing hoặc xây kênh TikTok, Facebook.v.v.).
Sẽ khó khăn trong giai đoạn đầu, ngoài sự hiểu biết về nền tảng, ngành hàng, sản phẩm, chúng mình cần có khả năng bán hàng, thuyết phục khách hàng thì mới có thể chốt được nhiều dự án.

Ngoài ra bạn có thể hợp tác với một số agency nhỏ với vai trò plan manager (làm remote), khi có các dự án liên quan, Agency nhất định sẽ kết hợp để lên kế hoạch tư vấn cho khách hàng, sau đó mình ăn % dự án.

2.3 Sở hữu đội ngũ của riêng và vận hành như một Agency chuẩn chỉnh

Nói Agency thì hơi to nhưng thực sự nếu tự tin về khả năng chốt job cũng như độ uy tín của bản thân, chúng mình hoàn toàn có thể tập hợp các cộng sự trở thành một team, bao giờ có job lại chia nhau để làm.

Lưu ý khi tập hợp thành viên cần hiểu rõ ưu, nhược điểm, thế mạnh của từng người để bổ trợ cho nhau. Ví dụ người giỏi về viết quảng cáo, người giỏi kể chuyện, người giỏi lên kịch bản, người có tư duy hình ảnh.v.v.. Chống chỉ định tìm những cộng sự có thế mạnh giống hệt nhau vì sẽ rất khó chia việc.

2.4 Làm cho chính mình.

Chẳng cần làm con sen cho bất cứ doanh nghiệp nào, mình tự xây page, xây kênh TikTok, rồi nhận booking, làm affiliate.v.v. Số tiền sẽ tăng lên cùng với số followers và sự phát triển của bản thân mình.
Từ đó đi thẳng đến con đường xuất bản sách, đóng gói và dạy học.
Mình chưa có trải nghiệm sâu ở hành trình này nhưng có rất nhiều bạn bè, anh chị đang đi theo con đường này và có thu nhập siêu hấp dẫn, mọi người có thể xem xét nhé.
Tuy nhiên đây là con đường dài hơn, khó mà ăn xổi nhận lương theo ngày theo tháng như các công việc đã nêu trên.
Cuối cùng, hành trình mỗi người là khác nhau, sẽ chẳng có gì gọi là “lộ trình” hay con đường chuẩn để bước cả. Nghĩ xem bạn muốn trở thành người thế nào, và cứ đi rồi sẽ đến thôi.

3. Cách Content Freelancer tìm job – Deal job – Nhận job và Duy trì job

3.1 Tìm việc ở đâu?

3.1.1 Các cách tìm việc thông thường

Lên Group Facebook tìm việc.

Dạo quanh các group, thấy có ai đăng bài tuyển nhân sự làm việc online, tuyển người viết bài hay làm remote thì liên soạn sửa CV và bắt đầu ứng tuyển.

Tìm kiếm ở Website việc làm như Vlance, TopCV.v.v

Hiện nay có rất nhiều website kết nối việc làm khá uy tín, một số ít miễn phí, một số khác có thu phí. Việc của chúng mình chỉ đơn giản là tạo một tài khoản, lướt tìm việc và gửi CV. Quá trình giống hệt với cách làm ở các Group Facebook hay linkedin.

Hỏi những người quen, những anh chị trong nghề.

Ví dụ trước đây mình đang đi làm công ty, mình có quen chị trưởng phòng, thi thoảng mình hỏi “Chị ơi đợt này em cũng đang rảnh, việc ở công ty cũng không nhiều, nếu có job ngoài liên quan content website, quản trị Fanpage.v.v. thì chị bảo em nha”. Và sau đó thì cứ có job nhỏ nào thì chị ấy nhắn mình.

=> Ưu điểm của mấy kiểu này là luôn có sẵn và có thể ứng tuyển nhanh chóng. Tuy nhiên nhược điểm là:
  • Tỷ lệ chọi cao
Ngày xưa mình đăng một bài tuyển nhân sự remote ở Group tuyển dụng nọ, chỉ 5 phút sau đó mess của mình đã ngập tràn hàng chục tin nhắn xin JD và gửi CV, cmt bắt đầu nhảy liên tục. Dưới góc độ của một người tuyển dụng không chuyên như mình, mình sẽ không đọc hết các CV mà sẽ lọc nhưng bạn gửi CV sớm nhất, nếu tìm thấy người phù hợp rồi sẽ không để ý các CV sau nữa.
Vì vậy, khi ứng tuyển theo hình thức này, chúng mình cần nhanh tay gửi CV hoặc nhắn tin cho nhà tuyển dụng. Nhưng tất nhiên khả năng hên xui cao vì không phải lúc nào mình cũng online và chờ tin tuyển dụng đúng không
  • Nhuận bút không cao.
Mình cũng tham gia nhiều Group tuyển dụng và lướt các website như Vlance thì thông thường doanh nghiệp sẽ tìm kiếm Freelance với các công việc nhỏ lẻ như viết bài website, viết một vài bài PR hay website theo từ khóa có sẵn.v.v
Vì là những bài viết nhỏ lẻ tách rời, không cần kế hoạch nên mức nhuận bút cũng khá hạn hẹp đối với người mới. Và thời gian làm việc cũng ngắn hạn, dẫn tới tình trạng bấp bênh vì job không đều, tháng thì giàu có tháng thì nghèo đói.
  • Dễ dính phải lừa đảo
Hồi mấy tháng trước trên cộng đồng xuất hiện tình trạng dẫn dụ các bạn Freelancer mới, và bắt đầu yêu cầu tham gia các buổi training kín có trả phí. Cùng nhiều trường hợp lừa đảo tinh vi khác nhau.

3.1.2 Thay vì theo đuổi thử thu hút khách hàng xem?

Mình đã quyết định nghỉ hẳn công việc văn phòng và bước chân vào con đường Freelancer toàn thời gian nhờ vào việc bắt đầu xây dựng nghiêm túc kênh Facebook cá nhân cùng cộng đồng Tâm Sự Freelancer (Tiền thân là Tâm Sự Content Trái Ngành).
Đầu năm 2021, Mạnh Vũ (Founder 5lancing.vn) quyết định xây kênh TikTok. Sau 3 tháng, kênh phát triển lên Follow, đó cũng là thời điểm mà Mạnh nhận được vô số lời mời hợp tác đến từ các thương hiệu, doanh nghiệp khác nhau.
Và bạn, cũng có thể chủ động thu hút khách hàng bằng cách xây dựng khu vườn social media của riêng mình.
Chúng mình có thể tạo nên bước chuyển mình rõ rệt bằng cách đặt những viên gạch đầu tiên như:
  • BẮT ĐẦU THAY ĐỔI PHẦN TIỂU SỬ VÀ CÁC THÔNG TIN VIỆC LÀM Ở FACEBOOK / INSTAGRAM / TIKTOK…
Phần tiểu sử và bio là những thứ đầu tiên và bất cứ ai ghé thăm trang cá nhân của bạn. Hãy tận dụng chúng bằng cách tập trung vào công việc hiện tại của bạn
Ví dụ: Thay vì để bio là một câu quotes không mang nhiều ý nghĩa bổ trợ cho công việc như “Trên thế giới này chúng ta là những người tuyệt vời nhất” thay vào đó là “Content Freelancer – Chuyên Content SEO, PR, Social Media”.
Khi nhìn vào, người ta sẽ hình dung được công việc hiện tại của bạn, sẽ ghim trong đầu ấn tượng đầu tiên, và khi có job liên quan, họ chắc chắn sẽ nhớ tới bạn!
  • THƯỜNG XUYÊN UPDATE VỀ CÔNG VIỆC HIỆN TẠI.
Việc show off về công việc, cuộc sống cá nhân không phải là sở thích hay thói quen của nhiều người, nhưng khi trở thành một Freelancer, hãy học cách nói ra chúng một cách khéo léo.
Khách hàng sẽ đánh giá bạn thông qua quá trình chứ không đơn thuần chỉ là một hai bài bạn từng viết. Vì vậy thông qua các bài viết, video, hãy chứng minh cho người khác thấy, công việc của bạn là gì, bạn có ưu điểm gì nổi bật, tính cách của bạn ra sao.
  • TỰ BIẾN MÌNH THÀNH MỘT CASE STUDY.
Đây là kiểu các Freelance thường khuyên nhau nhất. Mình xây page, xây kênh, xây thương hiệu cá nhân, liên tục lan tỏa giá trị, tự biến mình thành một case study, đừng yên và chờ khách hàng tới.

3.2 DEAL JOB

  • Hãy chuẩn bị một CV. Điều chỉnh phù hợp với từng ngành hàng, từng job cụ thể
  • Sở hữu một portfolio, chia sẻ chi tiết về những thứ mình làm và kết quả đạt được.
  • Trong quá trình phỏng vấn, trao đổi, hãy show ra bức tranh toàn cảnh & bước tiếp theo mà bạn có thể hỗ trợ khách là gì.
  • Đừng quên đặt câu hỏi ngược lại để hiểu rõ về ngành hàng, về sản phẩm, về kỳ vọng của khách. Chú ý eye contact và hãy chân thành nhé!
  • Bớt cả nể và trao đổi rõ ràng về lương thưởng, quy trình, cam kết rõ ràng, tránh xung đột về sau.

3.3 NHẬN JOB.

Bạn của mình, một Freelancer 1 năm rưỡi kinh nghiệm, nhận job quản trị fanpage với giá 2 triệu đồng/tháng. Sau đó bạn khá chật vật với các yêu cầu bên ngoài, cả nể không dám từ chối như nhận luôn tìm và thiết kế ảnh, thi thoảng viết dăm bài quảng cáo. Có những đợt viết đi viết lại 3-4 lần vẫn không được duyệt vì cần trải qua 3 đến 4 người duyệt bài khác nhau.
Trong trường hợp này, chi phí lương thưởng nhìn có vẻ ổn lúc thỏa thuận nhưng sau đó mới vỡ lẽ ra nhiều vấn đề ngoài tầm kiểm soát dẫn tới mất nhiều thời gian và công sức. Đó là lý do tại sao chúng ta cần khai thác được các câu hỏi sau để chọn lọc khách hàng chất lượng:
  • Khách hàng đang cần giải quyết vấn đề gì?
  • Khách hàng có quyền quyết định hay không?
Đây là câu hỏi quan trọng nhưng rất hay bị bỏ qua. Thông qua câu hỏi này sẽ hiểu rõ về vai trò của mình trong dự án và đảm bảo sự đồng ý và thống nhất giữa hai bên về quyết định cuối cùng, tránh những vấn đề về kiểm duyệt sau này.
  • Khách hàng đã có ngân sách cụ thể cho dự án chưa?
Hiểu rõ giới hạn tài chính sẽ giúp chúng mình đưa ra một Offer hợp lý, phù hợp với ngân sách của họ.
  • Tầm quan trọng của dự án đối với khách hàng là bao nhiêu?
Hiểu rõ mức độ quan trọng có thể giúp chúng mình đưa ra một mức giá hợp lý, thời gian dành cho công việc này là bao nhiêu và để đo lường mức độ phù hợp của bản thân.
  • Khách hàng có kế hoạch thực hiện dự án trong thời gian cụ thể không?
Đây là câu hỏi hỗ trợ Freelancer hiểu rõ về khả năng và thời gian thực hiện của khách hàng, từ đó đưa ra kế hoạch và lịch trình cụ thể. Tránh tình trạng thiếu thời gian, chậm tiến độ. Cũng là cách để chúng ta tính toán tài chính của bản thân trong các khoảng thời gian nhất định.

3.4 DUY TRÌ JOB.

Mọi người thường nhắc đến Freelancer như một công việc bấp bênh. Nhưng mình hoàn toàn có thể “ổn định” được nếu biết cách duy trì job theo tháng, theo năm. Có mấy lưu ý giúp bạn có thể duy trì hợp đồng dài hạn với khách như:
  • Có thỏa hiệp và quy tắc, quy trình làm việc rõ ràng, không cả nể.
  • Kỷ luật, tập trung và đúng deadline.
  • Tư duy chủ động
Tư duy chủ động là liên tục quan sát để tối ưu năng suất của bản thân thay vì làm bình bình rồi chờ leader đưa ra feedback. Chủ động nhìn nhận vấn đề và đề xuất giải pháp sẽ giúp chúng mình làm nhanh hơn, đạt kết quả tốt hơn và tất nhiên phía brand, leader cũng sẽ hài lòng hơn. Từ đó cân nhắc duy trì hợp đồng dài hạn và/hoặc giới thiệu mình cho nhiều bên khác.
Cuối cùng, vấn đề mà bạn giải quyết được càng lớn (lớn, khó trong vùng công ty đó) thì bạn càng đc “nâng niu”

4. Lên kế hoạch và quản trị dự án

4.1 Xác định mục tiêu

Nghe thì đơn giản nhưng thường mọi người có xu hướng cả nể nhập nhằng giữa các mục tiêu với nhau. Lần hợp tác này có mục tiêu là tăng doanh thu, tăng fl kênh,.v.v cần rõ ràng ngay từ đầu.Những hệ quả sau đó chỉ là kèm theo, ví dụ cam kết đạt 10k follow sau 3 tháng thì báo cáo chỉ cần tập trung vào số fl, số lượng ib mua hàng, hỏi dịch vụ chỉ là hệ quả phát sinh.

Việc rõ ràng về mục tiêu sẽ khiến việc đo lường trở nên dễ dàng.

4.2 Những người làm việc cùng mình là ai?

Bên cạnh leader trực tiếp thì liệu còn ai tham gia vào trong quá trình hợp tác nữa? Ví dụ như bạn nhận content thì cần làm việc cùng người quay dựng, người edit, design.v.v.

Xác định rõ thành viên, nhiệm vụ và confirm lại một lần nữa để việc hợp tác trở nên rõ ràng, thuận lợi.

Lúc làm ổn thì không sao, đến lúc làm không tốt thì người này đổ tội người kia rất mệt.

4.3 Lập kế hoạch và lên timeline cụ thể

Kế hoạch cho bản thân và để khách hàng dễ dàng theo dõi. Ví dụ:

– Danh sách công việc cần làm theo ngày và phạm vi là gì? Nội dung cụ thể ra sao?

– Thời gian hoàn thành công việc

– Tài liệu, số liệu gì bạn cần khách hàng hỗ trợ.

Việc có một kế hoạch, timeline cụ thể giúp công việc trở nên rõ ràng hơn là lâu lâu nhắn tin nhờ này nhờ kia, vừa bất tiện lại khó đo lường.

4.4 Sử dụng các công cụ quản trị

Có một số công cụ bạn có thể tham khảo để quản trị các dự án được tốt hơn như Trello, Notion, Google Driver.v.v.

Sẽ không có bó buộc nào cả, Driver thì phổ biến và dễ dùng nhưng độ trực quan, bao quát nhiều dự án không cao.

Notion thì trực quan, hầu như đầy đủ mọi tính năng. Nhưng với người mới thì hơi phức tạp.

Trello – cái này dễ dùng, dễ nhìn nhưng sẽ không có mấy kiểu như viết bài, lưu trữ ảnh.v.v.

Mình đang dùng Trello kết hợp cùng Google Driver.

4.5 Thực hiện công việc

Bước này chắc không cần nói gì nhiều. Chỉ mong các bạn hãy tuân thủ thời gian và chủ động theo dõi tiến độ, đưa ra giải pháp kịp thời để đôi bên cùng vui lòng.

4.6 Đánh giá

Dựa vào mục tiêu ban đầu, hãy đưa ra báo cáo và chủ động đánh giá hiệu quả, từ đó đưa ra phương án cải thiện phù hợp.

Mình nghĩ dù bạn có lỡ làm hơi tệ nhưng chủ động nhận lỗi và khắc phục cũng sẽ tốt hơn nhiều việc im lặng chờ đến cuối rồi mới biện mình nọ kia.

4.7 Bàn giao dự án

Bên cạnh bàn giao lại những gì mà mình quản trị, nếu bạn đã làm trong một thời gian dài, hãy dụng tâm tổng hợp lại những lưu ý, những đúc rút mà bản thân đã có được sau quá trình vận hành dự án để người đến sau có thể nhanh chóng tiếp nhận và hoàn thiện tốt nhất.

Tóm lại, để trở thành một Content Freelancer sống ổn với nghề, chúng mình cần có kỹ năng chuyên môn về content, cần biết cách show mình, biết cách để thực hiện dự án một cách trọn vẹn nhất. Chúc bạn luôn vững vàng trên hành trình trở thành một người viết tự do trong thời gian sắp tới nhé!

Hoài Thịnh

Hoài Thịnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

related news